Khi nhắc đến kỹ nữ thì chắc hẳn chúng ta đều nghĩ ngay đến nghề “buôn hương bán phấn” từ thời xa xưa có nguồn gốc từ Trung Hoa. Tuy nhiên, theo tìm hiểu về lịch sử và nguồn gốc của từ “kỹ nữ” thì từ ngữ này mang rất nhiều ý nghĩa. Để biết được nguồn gốc và ý nghĩa thực sự của kỹ nữ là gì thì ngay bây giờ hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé.
Kỹ nữ là gì? Thời xa xưa, kỹ nữ là một danh xưng để nói về những cô gái có tài năng ca hát, nhảy múa và các thể loại về nghệ thuật hoặc văn học. Tuy nhiên, theo thời gian do sự loạn lạc của xã hội và con người trở nên phóng túng hơn, những cô gái kỹ nữ bên cạnh việc bán nghệ ra thì còn bán thân. Vì thế, cho tới ngày nay từ kỹ nữ được gắn liền với ý nghĩa “gái bán dâm”.
Nguồn gốc và ý nghĩa thực sự của từ kỹ nữ là gì?
Kỹ nữ là một danh từ mà khi chúng ta nghe thấy thường sẽ liên tưởng ngay đến những cô gái “bán dâm” thời xưa ở Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tìm hiểu về lịch sử hình thành của nghề “kỹ nữ” thì ý nghĩa đó chưa được chính xác lắm.
Vậy kỹ nữ là gì? Theo các chuyên gia nghiên cứu về lịch sử cho biết, nghề kỹ nữ xuất hiện ở Trung Quốc khá lâu đời. Ban đầu “kỹ nữ” không phải là danh xưng của những cô gái “bán dâm” mà nó được dùng để gọi những người làm nghề ca hát, nhảy múa. Nhưng về sau, do xã hội loạn lạc nên những cô kỹ nữ không chỉ bán nghệ mà còn bán thân để kiếm kế sinh nhai.
Cũng được gọi là kỹ nữ, nhưng tùy thời điểm mà từ kỹ nữ sẽ được dùng theo những dạng khác nhau. Bởi vì chữ “kỹ” theo tiếng Hán thì có rất nhiều dạng, nên kỹ nữ sẽ mang nhiều tầng ý nghĩa khác nhau. Ví dụ như:
-Chữ “kỹ” theo dạng 伎 (nhân + chi) ghép với chữ 女(nữ) thành từ 伎女(kỹ nữ) chỉ những người phụ nữ có tài năng ca hát, nhảy múa
-Chữ “kỹ” theo dạng 技 (thủ + chi) ghép với chữ 女(nữ) thành từ 技女(kỹ nữ) thì lại có nghĩa là tài năng, tài nghệ
-Chữ “kỹ” theo dạng 妓 (nữ + chi) ghép với chữ 女(nữ) thành từ 妓女(kỹ nữ) là để chỉ những người con gái sống bằng nghề bán nghệ và bán thân.
Chính vì thế, từ “kỹ nữ” thời xa xưa là dùng để chỉ nghề nghiệp của những người con gái có tài năng ca hát, nhảy múa và các thể loại nghệ thuật hoặc cả văn học. Tương tự như thế thì ở một số nước Châu Á như nước ta thì có “cô đào, ả đào, đào hát”, Nhật Bản thì sẽ có “geisha” còn ở Hàn Quốc thì sẽ có “kisaeng”.
Tìm hiểu về nghề kỹ nữ bán thân thời xưa
Nguồn gốc của kỹ nữ bán thân
Từ khoảng cuối thời Nam Tống, xã hội loạn lạc khiến cho đạo đức của con người trở nên phóng túng và suy đồi hơn nên đã xuất hiện các hành vi mua bán con gái nhà nghèo. Hoặc do hoàn cảnh bần hàn khiến cho những cô gái nhà nghèo dấn thân vào con đường bán nghệ và bán thân. Lúc này từ “kỹ” trong kỹ nữ thường được dùng theo dạng 妓 (nữ + chi) là chỉ những người con gái phường cá hát, vừa bán nghệ vừa bán thân.
Đến thời nhà Minh thì kỹ nữ lại càng trở nên thịnh hành nhiều hơn, các kỹ viện hay còn gọi là lầu xanh mọc lên hàng loạt. Từ các đô thị lớn cho đến các châu ấp nhỏ, nơi nào cũng xuất hiện các kỹ viện và ngày càng có nhiều cô gái hành nghề kỹ nữ. Vì thế, các quan phủ thời bấy giờ bắt đầu đặt ra những khoản thu thuế đối với kỹ viện và kỹ nữ, họ gọi đó là “tiền phấn son”.
Do những cô gái của phường ca hát, nhảy múa ngày càng dấn thân vào nghề bán dâm càng nhiều nên từ đó từ “kỹ nữ” cũng gắn liền với ý nghĩa là “gái mại dâm”. Ở nước ta, vào thời triều Lê, cùng với thời Minh ở Trung Quốc, cũng bắt đầu xuất hiện những cô gái mượn nghề ca hát, nhảy múa để bán dâm, những cô gái này được gọi là Hoa mại nương, gọi tắt là Hoa nương.
Phân cấp trong giới kỹ nữ
Kỹ nữ vào thời xưa của Trung Quốc cũng được phân chia rất nhiều cấp bậc, thường sẽ dựa trên tài và sắc của kỹ nữ để phân cấp. Tuy nhiên, cách phân cập ở mỗi thời lại không giống nhau nhưng yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sự phân chia cấp bậc đó chính là nhan sắc, tài năng, thân phận và giàu nghèo.
Ban đầu người ta sẽ lấy nhan sắc để làm tiêu chí phân loại kỹ nữ thành 3 hạng là hạng trên, hạng giữa và hạng dưới. Tuy nhiên đến thời nhà Đường, thì cách phân chia lại không dựa vào nhan sắc nữa mà lại dựa vào tài năng là chủ yếu, nhan sắc chỉ là yếu tố thứ 2. Người nào có tài năng ca múa giỏi sẽ được gọi là “tiền đầu nhân” hoặc “nội nhân”, những người này sẽ được ca múa cho vua chúa xem.
Đến thời nhà Tống thì lại khắt khe hơn trong việc phân loại kỹ nữ, họ chú trọng vào những kỹ nữ có tài sắc vẹn toàn thì sẽ là kỹ nữ hạng nhất, trong Quan kỹ họ sẽ là “đầu nhân” và thường là người đứng hàng đầu khi biểu diễn.
Thời nhà Minh, Thanh thì lại dựa vào “tài, tình, sắc, nghệ” để phân chia cấp bậc cho kỹ nữ. Trong quyển Kim Lăng kỹ phẩm đã phân chia 32 kỹ nữ làm 4 loại:
-Thứ nhất là phẩm chất: người con gái có phẩm chất cao quý, có khuôn phép là hơn.
-Thứ hai là thanh vận: người con gái có phong nghi là hơn.
-Thứ ba là tài nghệ: người con gái có tài năng là hơn.
-Thứ tư là nhan sắc: người con gái có nhắc sắc xinh đẹp là hơn.
Trong thời cận đại thì ở Trung Quốc việc phân chia kỹ nữ lại càng đa dạng hơn, cụ thể là những dạng cấp bậc sau đây:
-Nữ hiệu thư: đây là dạng kỹ nữ có cấp bậc cao nhất, thường là những nữ nhi có tài sắc vẹn toàn. Những người con gái này họ chỉ bán nghệ không bán thân, chỉ ca hát, nhảy múa, đóng kịch và mời rượu cho quan khách thưởng thức.
-Trường tam: là những kỹ nữ thấp hơn Nữ hiệu thư một bậc nhưng họ vẫn là những kỹ nữ hạng sang. Những cô gái này cũng đề cao thân phận của mình nên cũng sẽ bán nghệ không bán thân, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp giữ khách lại qua đêm.
-Yêu nhị: đây là những kỹ nữ hạng trung, họ là những cô gái sẽ bán thân, đa số là bán thân để trừ nợ. Gọi là yêu nhị vì khách phải trả 2 đồng khi “mua” họ.
-Dã kê: là những kỹ nữ hạng thấp, thường sẽ được chia là 2 loại là dã kê ở nhà và dã kê phổ thông. Đối với dã kê ở nhà thì sang hơn một tí vì họ chỉ tiếp những người khách quen, còn dã kê phổ thông thì phải đi đứng đường để mồi chài khách. Nếu không có khách họ sẽ bị chủ chứa đánh đập rất tàn nhẫn.
-Bàn đinh: Đây là những kỹ nữ có cấp bậc thấp nhất trong giới, khách chỉ cần bỏ ra 3 hào là có thể “mua dâm” của họ.
Những cấp bậc khác trong kỹ viện
Ngoài những kỹ nữ được phân chia cấp bậc ra thì ở kỹ viện hay lầu xanh còn có rất nhiều cấp bậc khác từ cao đến thấp và mỗi người sẽ có những nhiệm vụ riêng.
-Cha hờ, mẹ hờ: đây chính là cha mẹ nuôi của kỹ nữ, còn được gọi là “can gia, can má”. họ cũng chính là chủ nhân của kỹ viện. Những người này thường là những kẻ gian xảo và hiểm ác, họ bỏ tiền mua những cô gái về để “bán hoa” kiếm ra tiền cho họ. Nếu không nghe lời hay làm trái ý thì những cô gái sẽ bị giày vò và bóc lột dã man.
-Di nương, Đại thư: đây là những người đầy tớ trong kỹ viện, giúp việc cho các kỹ nữ, những người đã có chồng thì được gọi là Di nương, người còn trẻ chưa chồng thì gọi là Đại thư. Họ chủ yếu là những người tạp vụ, quét dọn kỹ viện, dọn dẹp phòng hoặc chải đầu, trang điểm cho các kỹ nữ. Di nương thì thường sẽ làm những việc nặng nhọc hơn như quét dọn, tạp vụ, còn Đại thư thì thường sẽ giúp kỹ nữ trong việc tiếp khách.
-Nam giúp việc: Đây là những người đầy tớ nam trong kỹ viện, họ thường được gọi là Ngoại trường, Ngoại thế, Quy nô, Nhị gia hay Tương ban. Những người này thường sẽ làm những việc như khiêng kiệu, kéo xe, canh đêm.
-Bì điều khách: Đây là những người ăn không ngồi rồi, họ không phải là người làm trong kỹ viện nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với kỹ viện. Họ là những người mối lái cho khách và kỹ nữ.
-Mã sư: là thầy nhạc, người đàn nhạc góp vui cho kỹ nữ nhảy múa trong kỹ viện.
-Tương trướng: là kế toán của kỹ viện.
-Tư thái: là đầu bếp trong kỹ viện.
Nghi thức “buộc lược” là gì?
Theo nguyên tắc của các kỹ viện thời xưa, các kỹ nữ còn trinh hay còn được gọi là Thanh quán nhân chỉ cài lược trên bím tóc của mình. Sau lần tiếp khách đầu tiên ngủ qua đêm với họ thì họ sẽ phải búi tóc lên, gọi là buộc lược (Sơ lộng). Búi tóc lên cũng chính là dấu hiệu của những người phụ nữ đã kết hôn.
Vì thế mà nghi thức buộc lược được xem là một nghi thức quan trọng của kỹ nữ, tương tự như nghi lễ kết hôn. Kỹ viện xem những cô nàng Thanh quán nhân là một món hàng lạ, để họ có có thể đào vàng từ những quý ông có tiền. Chính vì thế mà nghi thức buộc lược được làm rất long trọng như thắp đôi nến lớn, thắt dây kỹ nữ với khách, uống rượu hòa hợp.
Những cô nàng Thanh quán nhân dịp này cũng sẽ ăn bận sang trọng hơn, đeo thắt lưng có khảm ngọc, gấm thêu, búi tóc gắn cài hình chim phượng, đi hài nhẹ,…Những người khách muốn “mua” được những cô nàng Thanh quán nhân và thực hiện nghi thức buộc lược cũng phải là những người có tiền có thế như phú thương thân hào, thủ lĩnh thổ phỉ hoặc đầu mục bang phái xã hội.
Thông thường sau khi xong đêm “trăng hoa” kỹ nữ sẽ giữ chiếc khăn có dính máu “trinh” để giao lại cho khách mua hoa như một bằng chứng về trinh tiết. Nghi thức buộc lược được xem là một nghi thức “hái ra tiền” của chủ chứa.
Số phận của kỹ nữ sẽ ra sao?
Có thể nói, kỹ nữ dù là ở cấp bậc cao hay cấp bậc thấp thì cuối cùng cũng bị người đời xem thường. Họ chỉ là những công cụ mua vui, thậm chí là công cụ để giai cấp thống trị thực hiện những mưu đồ chính trị. Từ thời xưa, số phận của kỹ nữ đã phải chịu nhiều sự bất hạnh, họ phải chịu sự bóc lột và ngược đãi của chủ chứa, quan phủ áp bức, khách chơi ức hiếp, lưu manh hạch sách đủ điều.
Có nhiều kỹ nữ không chịu nổi sự dày vò và đau khổ nên đã tìm đến cái chết, có người thì tiều tụy, mang bệnh mà chết, cũng có người ôm hận mà chết. Khi tuổi già ập đến thì phải sống trong cảnh cô độc, bị ruồng bỏ thê thảm. Chỉ có số ít kỹ nữ được hoàn lương, được người lương thiện chuộc mình. Cũng có không ít kỹ nữ xuất gia làm ni cô, nương nhờ cửa phật hoặc bôn ba khắp nơi, làm ăn xin sống qua ngày. Nói chung, cuộc đời làm kỹ nữ có rất nhiều bi kịch.
Hy vọng, với những thông tin mà Shopkiss chia sẻ có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của kỹ nữ là gì. Tuy đa phần, kỹ nữ là loại thấp hèn trong mắt nhiều người nhưng họ cũng đã có nhiều đóng góp không hề nhỏ đối với nghệ thuật và văn học trong suốt chiều dài lịch sử. Điều này đã được các chuyên gia nghiên cứu về “văn hóa kỹ nữ” khẳng định.