Thế giới ngày càng hiện đại thì tình yêu và các mối quan hệ ngày càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Do đó, nhiều thuật ngữ tâm lý mới đã xuất hiện, trong số đó là “love bombing”, một khái niệm nghe có vẻ lạ lẫm nhưng lại rất phổ biến trong các mối quan hệ tình cảm. Love bombing không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc mà còn có thể tạo ra một mối quan hệ không lành mạnh.
Vậy love bombing là gì? Làm thế nào để nhận diện và bảo vệ bản thân khỏi tác động tiêu cực của nó? Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này trong bài viết sau đây nhé.
Love bombing là gì? Love bombing là một chiến thuật thao túng tâm lý thường được sử dụng trong các mối quan hệ tình cảm. Nơi một người tạo ra cảm giác yêu thương, quan tâm quá mức đối với người yêu trong giai đoạn mới bắt đầu mối quan hệ. Hành động này có thể bao gồm việc tặng quà, gửi tin nhắn yêu thương liên tục và thể hiện tình cảm một cách mãnh liệt. Mục đích chính là khiến đối phương cảm thấy đặc biệt và được yêu thương một cách tuyệt đối.
Love bombing là gì?
Khi yêu, việc thể hiện tình cảm và sự quan tâm dành cho người mình yêu là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, đối với những mối quan hệ chỉ mới chớm nở, chỉ đang ở trong giai đoạn tìm hiểu ban đầu. Nhưng đối phương lại thể hiện tình cảm một cách quá vồ vập, khiến người nhận đôi khi cảm thấy choáng ngợp. Thậm chí là bị cuốn theo dòng xoáy tình cảm mà đối phương tạo ra theo công thức “love bombing”.
Vậy love bombing là gì? Love bombing hay được dịch ra tiếng Việt là hành động “dội bom tình yêu”, đây được xem là một chiến thuật thao túng tâm lý được sử dụng để tạo ra một sự lôi cuốn mạnh mẽ trong giai đoạn đầu của một mối quan hệ. Người thực hiện love bombing thường “dội bom” đối tác của mình bằng những cử chỉ yêu thương dồn dập, lời nói ngọt ngào và những món quà đắt tiền, nhằm mục đích kiểm soát và thao túng đối phương.
Hành động dội bom tình yêu này nhằm mục đích tạo ra một cảm giác yêu thương mãnh liệt, khiến đối tác cảm thấy như mình là trung tâm của vũ trụ. Tuy nhiên, phía sau vẻ ngoài hào nhoáng ấy, love bombing thường che giấu những mục đích kiểm soát và thao túng. Khi đối tác đã bị cuốn vào cảm giác được yêu thương quá mức, họ dễ dàng trở nên phụ thuộc và khó lòng nhận ra những dấu hiệu cảnh báo sự tiêu cực tiềm ẩn trong mối quan hệ.
Nguồn gốc của love bombing là từ đâu?
Love bombing bắt nguồn từ các hoạt động của một số tổ chức giáo phái và tôn giáo cực đoan vào những năm 1970, điển hình như giáo phái do Sun Myung Moon sáng lập. Thuật ngữ này được các nhà nghiên cứu tâm lý học mô tả một chiến thuật mà các giáo phái này sử dụng để thu hút và giữ chân thành viên mới. Đó chính là sử dụng một loạt các hành động chăm sóc và chú ý đặc biệt để tạo ra cảm giác chào đón dành cho những người mới gia nhập.
Những hành động này bao gồm việc khen ngợi, tặng quà và dành thời gian đặc biệt với những người mới đến, khiến họ cảm thấy như mình là một phần quan trọng và không thể thiếu của cộng đồng. Tuy nhiên, mục tiêu thực sự của chiến thuật này là kiểm soát và thao túng những người mới gia nhập, làm cho họ trở nên phụ thuộc và khó lòng rời bỏ giáo phái.
Về sau, khái niệm love bombing chủ yếu được dùng để mô tả các hành vi tương tự trong các mối quan hệ tình cảm, nơi một người sử dụng các chiến thuật tương tự để kiểm soát và thao túng đối tác của mình. Dù cho nguồn gốc của love bombing có từ các giáo phái, nhưng nó đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong các mối quan hệ tình cảm hiện nay.
Dấu hiệu nhận biết bạn đang là nạn nhân của “love bombing”
Love bombing có thể khiến bạn cảm thấy như đang sống trong một giấc mơ màu hồng hoàn hảo ngập tràn tình yêu và hạnh phúc. Thế nhưng, thực tế đó là một chiến thuật thao túng của đối phương nhằm mục đích kiểm soát bạn. Vì thế, bạn cần sớm nhận biết bản thân đang bị “bom tình yêu” để kịp thời thoát ra. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết bạn đang là nạn nhân của love bombing:
Khen ngợi và tâng bốc bạn quá mức
Người ấy liên tục khen ngợi và tâng bốc bạn, khiến bạn cảm thấy mình là người hoàn hảo. Mặc dù lời khen là điều tích cực, nhưng khi nó được sử dụng quá mức, bạn có thể cảm thấy không thoải mái và nghi ngờ về sự chân thành của những lời khen đó. Những lời khen có thể cường điệu hóa đến mức không thực tế, như “Em là người tuyệt vời nhất anh từng gặp”. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy áp lực phải duy trì hình ảnh hoàn hảo.
Đẩy nhanh sự tiến triển của mối quan hệ
Người ấy thúc đẩy mối quan hệ tiến triển với tốc độ chóng mặt, có thể đề nghị sống chung, kết hôn hoặc có con chỉ sau vài tuần hoặc vài tháng quen nhau. Họ còn tạo ra áp lực để bạn đồng ý với những cam kết lớn, khiến bạn cảm thấy có lỗi hoặc không yêu họ đủ nếu như bạn từ chối hoặc muốn mối quan hệ tiến triển chậm lại.
Gọi điện, nhắn tin cho bạn liên tục
Họ gọi điện, nhắn tin cho bạn liên tục suốt cả ngày, đêm, kể cả trong giờ làm việc hoặc khi bạn đang ở bên gia đình và bạn bè. Họ muốn bạn luôn nghĩ về họ và không có không gian riêng tư. Ngoài ra, họ còn yêu cầu bạn phải trả lời ngay lập tức mỗi khi họ gọi điện hoặc nhắn tin và sẽ tỏ ra lo lắng hoặc tức giận nếu bạn không làm như vậy. Điều này tạo ra cảm giác rằng bạn phải luôn sẵn sàng và phụ thuộc vào họ.
Cô lập bạn khỏi những mối quan hệ khác
Họ luôn tìm mọi cách cố gắng cô lập bạn khỏi gia đình và bạn bè, làm bạn cảm thấy chỉ có họ mới thực sự hiểu và quan tâm đến bạn. Họ có thể tỏ ra khó chịu hoặc ghen tuông khi bạn dành thời gian cho người khác. Khi bạn dành thời gian cho mối quan hệ khác, họ có thể nói những điều khiến bạn cảm thấy có lỗi vì đã không ưu tiên họ.
Thể hiện những cử chỉ tình cảm phô trương
Họ thể hiện tình cảm một cách phô trương, như xuất hiện bất ngờ với hoa, bóng bay hoặc tổ chức những buổi hẹn hò hoành tráng mà không cần dịp đặc biệt. Mặc dù những hành động này có thể rất ngọt ngào, nhưng nếu chúng quá thường xuyên và cường điệu, đó có thể là dấu hiệu của love bombing.
Ngoài ra, họ có thể đăng tải những lời yêu thương và hình ảnh của hai người trên mạng xã hội một cách thường xuyên, nhằm chứng tỏ mối quan hệ của bạn là hoàn hảo trước mắt mọi người.
Thể hiện những cảm xúc mãnh liệt
Họ thường xuyên thể hiện những cảm xúc mãnh liệt, từ yêu thương đến ghen tuông hoặc tức giận một cách không hợp lý. Họ có thể khóc, tức giận hoặc làm những hành động quá khích để thể hiện tình yêu hoặc nỗi đau của họ. Sự thay đổi cảm xúc đột ngột của họ làm bạn cảm thấy bối rối và cảm thấy áp lực khi phải đáp ứng cảm xúc của họ.
Thường xuyên tặng quà cho bạn
Họ liên tục tặng quà cho bạn, từ những món quà nhỏ đến những món quà đắt tiền, nhằm tạo ra cảm giác bạn nợ họ và phải đáp lại tình cảm của họ. Đối với họ, quà cáp có thể được sử dụng như một công cụ để kiểm soát bạn, khiến bạn cảm thấy có trách nhiệm phải đáp lại và khó từ chối hoặc rời xa họ.
Nên làm gì khi bạn là nạn nhân của “love bombing”?
Khi nhận ra mình là nạn nhân của “love bombing”, điều đầu tiên bạn nên làm là nhận diện vấn đề một cách rõ ràng. Hãy lắng nghe cảm xúc của mình, nếu bạn cảm thấy bối rối, áp lực hoặc mất tự do trong mối quan hệ, đó có thể là dấu hiệu của love bombing. Việc rà soát lại những hành vi của đối tác mà bạn cảm thấy không bình thường hoặc quá mức sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về tình hình và bảo vệ bản thân khỏi sự kiểm soát và thao túng.
Sau khi đã nhận diện được vấn đề, hãy giữ khoảng cách bằng cách hạn chế gặp gỡ và giảm bớt thời gian dành cho người ấy. Việc này giúp bạn có thời gian suy nghĩ và đánh giá lại mối quan hệ một cách khách quan hơn. Đừng phản hồi ngay lập tức các cuộc gọi hoặc tin nhắn, để người ấy hiểu rằng bạn cần thời gian riêng tư. Việc thiết lập giới hạn và kiên quyết giữ vững lập trường của mình cũng rất quan trọng để bảo vệ không gian riêng tư của bạn.
Đánh giá lại mối quan hệ là bước tiếp theo bạn nên thực hiện. Hãy suy nghĩ về lý do tại sao bạn bị cuốn vào mối quan hệ này và liệu đối tác có thực sự quan tâm đến bạn hay chỉ đang cố gắng kiểm soát bạn. Nếu mối quan hệ không mang lại hạnh phúc và sự ổn định, có lẽ đã đến lúc bạn nên suy nghĩ về việc chấm dứt mối quan hệ. Chuẩn bị tâm lý cho việc này có thể không dễ dàng, nhưng đôi khi là cần thiết để bảo vệ bản thân.
Cuối cùng, nếu đã quyết định chấm dứt, thì sau khi kết thúc mối quan hệ đó bạn hãy dành thời gian chăm sóc bản thân, tham gia các hoạt động yêu thích và kết nối lại với bạn bè và gia đình. Tận dụng trải nghiệm vừa qua để học hỏi và rút ra bài học cho những mối quan hệ tương lai, chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo và tin vào trực giác của mình.
Love bombing có thể mang lại cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, nó có thể gây ra nhiều vấn đề và thậm chí là tổn thương tâm lý. Hiểu rõ love bombing là gì và biết cách nhận diện những dấu hiệu cảnh báo mà Shopkiss chia sẻ sẽ giúp bạn bảo vệ bản thân và duy trì những mối quan hệ lành mạnh. Hãy luôn nhớ rằng, một mối quan hệ tốt đẹp cần được xây dựng trên nền tảng của sự tin tưởng, tôn trọng và tình yêu chân thành.