Nếu như bạn đã từng đi du lịch ở các tỉnh miền Tây, hoặc có những người bạn là người miền Tây, thì chắc hẳn các bạn đã nhiều lần nghe người miền Tây dùng từ “ní”. Mặc dù, có thể các bạn đã biết từ “ní” là dùng để bạn bè gọi nhau, nhưng không phải ai cũng biết ý nghĩa và nguồn gốc thực sự của từ ní là gì? Vì thế, trong bài viết hôm nay hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu về từ ní và những từ ngữ liên quan đến từ “ní” hiện đang được nhiều bạn trẻ sử dụng hiện nay là gì nhé.
Ní là gì? Ní là một đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, được người miền Tây dùng để gọi người bạn đồng trang lứa hoặc người trạc tuổi với mình một cách thân thiết. Từ “ní” có thể được ghép thành nhiều cách gọi như: ní ơi, ní à, mấy ní, ní “guột”,…
Ní là gì? Có nguồn gốc từ đâu?
“Ní” là một từ ngữ khá quen thuộc với người dân ở các tỉnh miền Tây nước ta, và hiện nay cũng đã được nhiều bạn trẻ ở những tỉnh thành khác sử dụng phổ biến. Thế nhưng không phải ai sử dụng từ ngữ này cũng đều hiểu được nghĩa của từ ní là gì? Theo chia sẻ của người miền Tây chính gốc, từ “ní” là một đại từ nhân xưng ngôi thứ 2, được sử dụng như một cách gọi thân thiết giữa những người đồng trang lứa với nhau.
Giống như đối với người miền Nam nói chung hay người Sài Gòn nói riêng, thì các bạn trẻ thường dùng từ “mày” để gọi những người bạn thân thiết của mình và xưng là “tao”. Thì ở miền Tây, từ “ní” cũng là một cách gọi thể hiện sự thân thiết như thế.
Ví dụ: Ngày mai qua đón mình đi học nha ní.
Về nguồn gốc, thì nhiều người nghĩ rằng, từ “ní” tuy là một từ xưng hô của người miền Tây, đã có từ rất lâu đời, nên sẽ có nguồn gốc từ miền Tây. Tuy nhiên, trên thực tế, từ này lại có nguồn gốc từ tiếng Hoa, do người miền Tây đọc lái lại từ từ “nị” của tiếng Hoa. Trong tiếng Hoa, từ “nị” là đại từ nhân xưng ngôi thứ 2, trong đó từ “ngọ” là đại từ nhân xưng ngôi thứ 1.
Tìm hiểu về một số từ liên quan tới từ “ní”
Bên cạnh từ “ní” thì người miền Tây còn gọi nhau là “ní ơi, mấy ní, ní ruột,…”. Sau khi hiểu được ní miền Tây nghĩa là gì rồi thì ngay sau đây chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu về những từ ngữ khác có liên quan đến từ “ní” nhé.
Ní ơi
Đầu tiên sẽ là từ “ní ơi”, cũng mang ý nghĩa để gọi một người bạn thân nào đó giống như từ “ní”, nhưng được thêm từ “ơi” vào để cách gọi đó trở nên thân thiết và trìu mến hơn. Thường được sử dụng khi nhờ bạn giúp đỡ mình vấn đề nào đó, hoặc trong những tình huống muốn thuyết phục bạn,…Nói chung, khi gọi “ní ơi” thì sẽ mang lại cảm giác thân thương hơn.
Ví dụ: Ní ơi! Cho mình mượn cuốn sách này nha!
Mấy ní, ní “guột”
Ngoài ra, từ “ní” cũng được ghép thêm với một số từ khác để tăng sự thân thiết giữa những người bạn với nhau như: mấy ní, ní “guột”,…Nếu từ “mấy ní” là để gọi chung những người bạn thân thiết hoặc nhóm bạn thân của mình. Thì từ “ní guột” chính là từ để gọi người bạn mà mình cho là thân nhất trong đám bạn. Trong đó, từ “guột” chính là từ “ruột” được viết lái lại theo cách phát âm của người miền Tây, mang ý nghĩa thân như “ruột thịt”.
Ví dụ: Cuối tuần này lên kèo đi chơi đi mấy ní ơi.
Con Trang là ní “guột” của tui đó, hai đứa chơi với nhau từ thời còn “cởi truồng tắm mưa”.
Nà ní
Ngoài những từ “ní” ở trên, thì dạo gần đây chúng ta thường được nghe các bạn trẻ hay dùng từ “nà ní”. Điều này, khiến nhiều người nghĩ rằng từ “nà ní” cũng có liên quan đến từ “ní” của người miền Tây. Tuy nhiên, trên thực tế, từ “nà ní’ hoàn toàn không liên quan gì đến từ “ní” dùng để xưng hô cả.
Từ “nà ní” là một từ phiên âm từ tiếng Nhật, thường được dùng để chỉ sự ngạc nhiên, bất ngờ về một vấn đề nào đó. “Nà ní” là một từ cảm thán, nó mang ý nghĩa tương tự như từ “what” (cái gì) hoặc từ “really” (thật chứ, chắc không) trong tiếng Anh.
Giới trẻ nước ta thích dùng từ “nà ní” này là xuất phát từ sự yêu thích đối với các thể loại văn hóa Nhật Bản như truyện tranh, phim hoạt hình,…Ngoài ra, cũng do cách đọc “nà ní” có phần hóm hỉnh và dễ thương nên được giới trẻ yêu thích sử dụng khi nói chuyện với bạn bè, nhằm tạo không khí vui vẻ.
Ví dụ:
-Người A: Ê! Thằng Huy mới tỏ tình với con Nga hôm qua đó.
-Người B: Nà ní! Tao tưởng thằng Huy thích con Hằng chứ.
Cách dùng từ “ní” miền Tây sao cho phù hợp?
Trong từ điển tiếng miền Tây, từ “ní” là một từ thông dụng thuộc hạng bậc nhất, đi đâu chúng ta cũng có thể nghe thấy mọi người gọi nhau là “ní ơi, ní à”. Tuy nhiên, không phải người nào chúng ta cũng có thể gọi là “ní”. Mặc dù, người miền Tây chất phác, dễ gần nhưng họ vẫn rất xem trọng việc xưng hô cho đúng vai vế, tuổi tác của nhau.
Từ “ní” chỉ thích hợp dùng với những người đồng trang lứa và trạc tuổi với mình, không nên dùng để gọi những người lớn tuổi hơn hoặc có vai vế lớn hơn mình. Ngoài ra, nếu như là một người bạn mới quen, không quá thân thì cũng không nên gọi là “ní”, vì như thế sẽ được xem là thiếu lịch sự. Vì thế, chúng ta chỉ sử dụng từ “ní” với bạn bè thân thiết, bằng vai phải lứa hoặc nhỏ tuổi hơn chúng ta mà thôi.
Cách xưng hô “chế – hia” của người miền Tây nghĩa là gì?
Ngoài từ “ní” ra thì người miền Tây còn nổi tiếng với cách xưng hô “chế – hia”, vậy chế hia nghĩa là gì?
Theo như chúng tôi tìm hiểu, từ “chế” là một từ Hán Việt, được người Hoa dùng để gọi chị, không phân biệt là chị ruột hay chị họ. Tuy nhiên, không dùng để gọi chị dâu là “chế”. Tương tự như thế, từ “hia” cũng là từ Hán Việt, được người Hoa dùng để gọi anh, kể cả anh ruột lẫn anh họ.
Tuy nhiên, đối với người miền Tây, từ chế và hia cũng được dùng với nghĩa là anh và chị, nhưng không chỉ dùng để gọi anh chị ruột hay anh chị bà con, mà họ sẽ dùng luôn cả đối với người ngoài lớn tuổi hơn mình. Thậm chí, họ dùng cho cả những người mới quen biết mà lớn tuổi hơn mình, nhằm tăng sự thân thiết và gần gũi.
Ví dụ: Mua giúp em vài ký trái cây đi mấy chế mấy hia ơi, sáng giờ em chưa bán được gì hết.
Hy vọng rằng với những thông tin mà Shopkiss chia sẻ đã giúp các bạn hiểu rõ ý nghĩa và nguồn gốc của từ ní là gì? Cũng như không còn nhầm lẫn từ “ní” với từ “nà ní” mà giới trẻ thường sử dụng nữa. Ngoài ra, cũng giúp các bạn biết được những từ ngữ xưng hô khác của người miền Tây, để khi có dịp đi du lịch ở các tỉnh miền Tây sẽ không bỡ ngỡ khi được người dân nơi đây gọi bằng những cách gọi thân thương như ní, chế hay hia nhé.