Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao có người luôn quyết đoán, có người lại nhẹ nhàng và kiên nhẫn? Hoặc vì sao bạn dễ hòa hợp với người này nhưng lại khó hiểu người kia? Những điều tưởng như ngẫu nhiên ấy thật ra có thể lý giải bằng một mô hình tính cách đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới đó chính là DISC. Vậy DISC là gì? Hãy cùng khám phá trong bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về chính mình và những người xung quanh nhé!
DISC là gì? DISC là hệ thống phân loại hành vi dựa trên bốn nhóm tính cách chính: Dominance (thống trị), Influence (ảnh hưởng), Steadiness (kiên định) và Conscientiousness (tuân thủ). DISC giúp bạn hiểu cách mỗi người phản ứng, giao tiếp và xử lý công việc. Từ đó nâng cao sự thấu hiểu, hợp tác và hiệu quả trong cuộc sống cũng như công việc.
DISC là gì?
Khi bước vào môi trường làm việc hoặc đơn giản chỉ là tương tác hàng ngày, có bao giờ bạn tự hỏi tại sao một số người rất quyết đoán trong khi người khác lại cẩn trọng, trầm lặng hơn? Hoặc tại sao bạn dễ hòa hợp với một người nhưng lại “lệch sóng” hoàn toàn với người khác? Câu trả lời có thể nằm trong mô hình tính cách DISC.
Vậy DISC là gì? DISC là một công cụ phân tích tính cách, giúp đánh giá hành vi và cách con người phản ứng trong các tình huống khác nhau. Mô hình này chia con người thành 4 nhóm tính cách chính dựa trên bốn yếu tố: Dominance (D) – Thống trị, Influence (I) – Ảnh hưởng, Steadiness (S) – Kiên định và Conscientiousness (C) – Tuân thủ. Mỗi người sẽ có tỷ lệ các yếu tố này khác nhau, tạo nên một phong cách riêng biệt.
Khám phá 4 nhóm tính cách trong DISC
Mô hình DISC không nhằm mục đích “gắn mác” hay giới hạn con người vào một khuôn mẫu, mà là công cụ giúp bạn hiểu sâu hơn về bản thân và biết cách giao tiếp hiệu quả hơn với người xung quanh. Như đã đề cập ở trên, mô hình tuýp người DISC sẽ chia con người thành 4 nhóm tính cách chính, tương ứng với 4 chữ cái: D – Dominance (Thống trị), I – Influence (Ảnh hưởng), S – Steadiness (Kiên định) và C – Conscientiousness (Tuân thủ).
Mỗi nhóm mang những điểm mạnh riêng và phù hợp với những vai trò, môi trường khác nhau trong cuộc sống. Cụ thể như sau:
Nhóm người thống trị (D – Dominance)
Những người thuộc nhóm D thường mạnh mẽ, quyết đoán và thích hành động nhanh chóng. Họ có xu hướng tập trung vào kết quả và không ngại đối mặt với thử thách. Với tinh thần cạnh tranh cao, họ thường là người dẫn đầu trong các tình huống cần ra quyết định nhanh và dứt khoát.
Ưu điểm:
-Tự tin, định hướng mục tiêu rõ ràng.
-Có khả năng lãnh đạo.
-Dám nghĩ dám làm, chấp nhận rủi ro.
-Ưa thích kiểm soát và không thích bị giới hạn.
Nhược điểm:
-Thiếu kiên nhẫn khi làm việc với những người không nhanh nhạy.
-Kiểm soát và thích áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác.
-Quá cứng rắn trong giao tiếp nên không hiểu được cảm xúc của người khác.
Ngành nghề phù hợp: Nhà điều hành, nhà định hướng, quản lý, lãnh đạo, nhóm trưởng, đội trưởng,…những ngành nghề yêu cầu khả năng nhạy bén và đưa ra quyết định nhanh chóng.
Nhóm người có tầm ảnh hưởng (I – Influence)
Nhóm I là những người thân thiện, cởi mở và giỏi giao tiếp. Họ thường rất giỏi trong việc kết nối, tạo thiện cảm và lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người. Nếu bạn biết một người luôn là “tâm điểm” của mọi cuộc vui, rất có thể họ thuộc nhóm này.
Ưu điểm:
-Giao tiếp khéo léo, dễ tạo thiện cảm.
-Tính cách lạc quan và thân thiện họ rất giỏi trong việc xây dựng mối quan hệ.
-Tư duy tích cực, sáng tạo và có khả năng truyền cảm hứng cho người khác.
Nhược điểm:
-Dễ bị cảm xúc chi phối và dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác.
-Đôi khi thiếu kiên nhẫn và rất dễ bị phân tâm.
-Có thể hơi phóng khoáng, thiếu tổ chức.
Ngành nghề phù hợp: Bán hàng, marketing, truyền thông, sự kiện,…những ngành nghề cần sự sáng tạo, năng động và giao tiếp hiệu quả.
Nhóm người kiên định (S – Steadiness)
Người thuộc nhóm S thường điềm tĩnh, trung thành và rất đáng tin cậy. Họ là người biết lắng nghe, hỗ trợ người khác và luôn cố gắng duy trì sự ổn định trong môi trường xung quanh. Trong nhóm, họ là “người giữ lửa” giúp duy trì sự hòa hợp và đoàn kết.
Ưu điểm:
-Trung thành, tận tâm.
-Biết lắng nghe và cảm thông nên luôn tạo cảm giác an toàn cho người khác.
-Giỏi làm việc nhóm.
-Có tính kiên nhẫn cao và có khả năng giải quyết xung đột một cách êm đềm.
Nhược điểm:
-Ngại thay đổi, không thích xung đột.
-Có thể thiếu quyết đoán nên thường gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định.
-Dễ bị lợi dụng vì quá tốt bụng.
Ngành nghề phù hợp: Nhân sự, chăm sóc khách hàng, hỗ trợ kỹ thuật, công việc văn phòng ổn định và những công việc cần khả năng làm việc nhóm.
Nhóm người tuân thủ (C – Conscientiousness)
Nhóm C là những người logic, nguyên tắc và có xu hướng theo đuổi sự hoàn hảo. Họ làm việc cẩn thận, kỹ lưỡng và thường đặt ra tiêu chuẩn cao cho cả bản thân và người khác. Họ thích những quyết định dựa trên dữ liệu và phân tích hơn là cảm xúc.
Ưu điểm:
-Có khả năng phân tích sâu và tư duy logic.
-Làm việc cẩn trọng, chính xác và rất có trách nhiệm.
-Luôn hết mình trong công việc và tìm cách nâng cao chất lượng công việc.
Nhược điểm:
-Dễ bị quá cầu toàn nên đôi khi trở nên cứng nhắc và thiếu linh hoạt.
-Chậm ra quyết định vì muốn chắc chắn nên đôi khi gặp khó khăn trong các tình huống cần sự nhanh nhạy và đưa ra quyết định nhanh chóng.
-Quá quan tâm đến chi tiết nên không chú ý đến tổng thể.
Ngành nghề phù hợp: Kế toán, kiểm toán, IT, nghiên cứu, phân tích dữ liệu, những công việc yêu cầu độ chính xác cao.
Vì sao chúng ta nên ứng dụng mô hình DISC?
Mô hình DISC không chỉ đơn thuần là một công cụ đánh giá tính cách, mà nó còn là “bản đồ” giúp chúng ta hiểu rõ chính mình, cải thiện kỹ năng giao tiếp và xây dựng các mối quan hệ hiệu quả hơn, cả trong công việc lẫn đời sống cá nhân. Khi bạn biết mình thuộc nhóm tính cách nào và hiểu rõ những người xung quanh đang vận hành theo cách nào, mọi tương tác sẽ trở nên dễ dàng và tích cực hơn rất nhiều.
Trong môi trường làm việc
-Cải thiện giao tiếp: Một trong những lợi ích rõ rệt nhất của DISC là giúp các thành viên trong công ty giao tiếp hiệu quả hơn. Mỗi nhóm tính cách có cách tiếp nhận và phản hồi thông tin khác nhau, có người thích đi thẳng vào vấn đề, có người cần thời gian để suy nghĩ,… Việc nhận biết và điều chỉnh phong cách giao tiếp phù hợp giúp giảm hiểu lầm, tăng sự hợp tác và tạo ra môi trường làm việc dễ chịu hơn.
-Tăng cường hiệu suất làm việc: Khi mỗi cá nhân hiểu được điểm mạnh – điểm yếu của bản thân, họ có thể lựa chọn những công việc phù hợp với năng lực tự nhiên của mình. Ví dụ, người nhóm D phù hợp với vai trò ra quyết định nhanh, nhóm C lại phát huy tối đa trong các công việc cần sự chính xác. Việc phân công công việc theo tính cách không chỉ giúp người làm cảm thấy thoải mái mà còn nâng cao năng suất công việc cho toàn đội nhóm.
-Xây dựng văn hóa làm việc tích cực: Áp dụng DISC trong tổ chức góp phần tạo ra một môi trường làm việc thấu hiểu và cởi mở. Khi mọi người hiểu rằng mỗi người có một phong cách hành vi khác nhau, họ dễ dàng chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt đó. Đây là nền tảng giúp xây dựng một văn hóa doanh nghiệp tích cực, nơi mỗi cá nhân đều cảm thấy mình được ghi nhận và đóng góp.
-Nâng cao kỹ năng lãnh đạo: Một người lãnh đạo khi hiểu được mô hình DISC sẽ có khả năng điều chỉnh phong cách quản lý phù hợp với từng nhân viên. Thay vì áp dụng cùng một cách cho tất cả, họ có thể biết ai cần hướng dẫn kỹ lưỡng, ai cần trao quyền, ai cần tạo động lực bằng lời khen… Nhờ đó, tiềm năng của từng nhân viên được phát huy tối đa và mối quan hệ trong đội nhóm trở nên hài hòa hơn.
-Phát triển đội nhóm hiệu quả: Một đội nhóm hiệu quả không phải là nơi ai cũng giống nhau, mà là nơi các thành viên bổ sung cho nhau về kỹ năng, tư duy và hành vi. DISC giúp doanh nghiệp xây dựng đội nhóm đa dạng về tính cách, nơi có người quyết đoán, người sáng tạo, người kiên trì, người tỉ mỉ,…mỗi người đều giữ một vai trò quan trọng trong sự thành công chung. Nhờ đó, khả năng giải quyết vấn đề, sáng tạo và thích nghi của đội nhóm cũng được nâng cao rõ rệt.
Trong cuộc sống
-Tăng cường sự tự nhận thức: DISC giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân, điều mà đôi khi chúng ta chưa bao giờ thực sự khám phá. Khi biết mình thuộc nhóm nào, bạn sẽ dễ dàng nhận ra cách bạn hành xử, lý do tại sao bạn phản ứng như vậy và điều gì khiến bạn thấy thoải mái hay khó chịu. Sự tự nhận thức này là nền tảng cho sự trưởng thành của bản thân và từ đó giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.
-Cải thiện các mối quan hệ cá nhân: Mỗi mối quan hệ đều dựa trên sự thấu hiểu. Khi bạn biết người thân, bạn bè, hay người yêu của mình thuộc nhóm tính cách nào, bạn sẽ dễ dàng hiểu và chấp nhận sự khác biệt trong hành vi của họ. Thay vì mâu thuẫn vì những điều nhỏ nhặt, bạn học cách linh hoạt và đồng hành với họ theo cách họ cảm thấy thoải mái nhất. Nhờ đó, các mối quan hệ trở nên bền vững và sâu sắc hơn.
-Giải quyết xung đột: Trong các tình huống căng thẳng, mỗi nhóm tính cách có cách phản ứng khác nhau, có người đối đầu trực diện, có người lặng im, có người né tránh. DISC giúp bạn nhận diện và điều chỉnh cách tiếp cận phù hợp với từng người để giải quyết xung đột một cách khéo léo và hòa bình hơn. Việc hiểu người khác không chỉ giúp xoa dịu tình hình mà còn tăng khả năng kết nối lâu dài.
-Lên kế hoạch cho sự phát triển cá nhân: DISC không chỉ dừng lại ở việc nhận diện, mà còn cung cấp gợi ý để phát triển cá nhân. Bạn sẽ biết mình cần rèn luyện điều gì, ví dụ người nhóm I có thể luyện tập tính kỷ luật, người nhóm C có thể học cách linh hoạt hơn. Bằng cách xác định các điểm còn thiếu sót, bạn có thể lập kế hoạch cụ thể để phát triển toàn diện hơn và dễ dàng đạt được mục tiêu trong cuộc sống.
-Tạo động lực cho bản thân: Mỗi người đều có cách tạo động lực riêng. DISC giúp bạn khám phá cách thúc đẩy bản thân một cách tự nhiên nhất. Khi bạn hiểu bản thân mình nên “vận hành” như thế nào, bạn sẽ biết cách giữ cảm hứng và tạo ra thêm động lực để tiến về phía trước mỗi ngày.
Hiểu được DISC là gì không chỉ giúp bạn khám phá bản thân một cách sâu sắc hơn mà còn là chìa khóa để xây dựng các mối quan hệ hiệu quả trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân. Dù bạn là nhân viên, lãnh đạo hay đơn giản chỉ muốn cải thiện khả năng giao tiếp, mô hình DISC sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực. Shopkiss tin rằng, khi biết cách áp dụng đúng đắn, bạn sẽ thấy sự khác biệt tích cực trong cách làm việc, ứng xử và phát triển bản thân mỗi ngày.